Với đồng lương ít ỏi, nhiều công nhân chấp nhận sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu thốn và mùa hè 2020 trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với họ khi phải đối diện với cái nóng như thiêu, như đốt.
Sống chung với nóng
Nơi ở của nhiều công nhân (CN) đang làm việc trong Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) thường là những dãy phòng cấp bốn, được lợp bằng tấm lợp fibroximăng, lụp xụp và tuềnh toàng. Diện tích mỗi phòng chỉ rộng khoảng 9-10m2. Với diện tích nhỏ hẹp như vậy, chỉ cần một ít đồ đạc trong phòng là không gian đã trở nên chật chội và bí bách.
Dù mới chỉ đầu mùa hè, nhưng bên trong các phòng trọ đã hầm hập hơi nóng. Sức nóng từ trên mái nén xuống, từ tường nhà hắt vào như muốn “nướng” mọi thứ ở bên trong căn phòng khiến sinh hoạt của CN, nhất là những CN đã lập gia đình, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chiều 4.5, mới đầu hè mà trời đã rất oi bức. Chúng tôi tìm đến phòng trọ của anh Thái Đức Thành (sinh năm 2000) tại thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Căn phòng trọ chật chội, chỉ khoảng 10m2 với khá nhiều đồ đạc. Anh Thành chỉ có chiếc quạt mini để chống nóng. Chiếc quạt chạy hết công suất vẫn không xua được đi không khí ngột ngạt, bí bách trong phòng. “Mấy hôm nay trời chuyển sang hè, không khí đã khó chịu hơn trước. Năm trước, cứ hôm nào nóng quá, không ngủ được, tôi đành phải chạy sang nhà người quen “lánh nạn”, đợi ngày nào trời mát mới về” - anh Thành cho hay.
Anh Thành nói, do ở một mình nên anh chưa có ý định lắp điều hòa nhiệt độ. “Hơn nữa, chi phí mua điều hòa khá tốn. Ngoài ra, sử dụng điều hòa thường xuyên cũng rất tốn tiền điện” - anh Thành chia sẻ.
Theo khảo sát của phóng viên, phòng trọ của rất nhiều CN chưa lập gia đình đều chưa lắp điều hòa với cùng lý do. Nhiều người chọn giải pháp chạy ra quán cà phê lánh nạn; đồng thời tích cực tăng ca, làm thêm để được ở trong phòng lạnh nhiều hơn.
Anh Vũ Anh Tuấn (trọ tại thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, Đông Anh) than thở: “Tôi nghe nói mùa hè năm nay sẽ có hôm nhiệt độ lên hơn 40 độ C. Nếu như vậy, những người thuê trọ mà không có điều hòa như tôi sẽ rất khổ. Mấy hôm nay, trời đầu hè mà đã nóng rồi, thường phải 0 giờ đến 1 giờ trời mát đi mới ngủ được”- anh Tuấn nói.
Khổ sở gia đình công nhân
Chiều 4.5, tại căn phòng trọ chật hẹp chỉ tầm 7-8m2, anh Nông Văn Hiếu loay hoay thay tã cho con út mới 6 tháng tuổi. Chị Hà Thị Nhung - vợ anh - vừa trở về sau ca làm việc, đang ngồi tại cửa chơi với con. Tay chị phe phẩy chiếc quạt nan cho đỡ nóng. Chiếc quạt điều hòa cùng quạt thường và quạt trần tự chế vẫn không xua đi được cảm giác nóng nực trong phòng. Chúng tôi ngồi một lát nói chuyện với anh chị mà mồ hôi cứ túa ra.
Anh Hiếu làm CN tại KCN Thăng Long được 10 năm nay, trong đó, thuê trọ tại khu nhà này được 8 năm. “Trước đây, tôi ở một mình thì sao cũng được. Mặc dù nóng bức nhưng tôi cũng đành cố chịu đựng” - anh Hiếu cho biết.
Tuy vậy, từ khi lập gia đình, rồi có con, anh phải lắp điều hòa, rồi mua quạt điều hòa. Anh Hiếu sờ vào bức tường rồi nói, khi nào bức tường phải nóng bỏng lên thì tôi mới bật điều hòa. “Vì bật điều hòa rất tốn tiền. Bình thường, tiền điện khoảng 300.000 đồng/tháng, nếu bật điều hòa thường xuyên phải mất thêm bằng đấy số tiền nữa. Cả nhà còn rất nhiều khoản để chi nên vợ chồng tôi phải tiết kiệm, rất ít khi bật điều hòa. Nếu hôm nào quá nóng, không ngủ được mới bật, mà bật cũng chỉ từ lúc đi ngủ 0 giờ - 1 giờ thì tắt đi cho đỡ tốn điện. Lúc đó, phòng đã mát rồi nên vẫn ngủ được” - anh Hiếu nói.
Còn bình thường, khi chưa quá nóng, anh chỉ bật các loại quạt trong nhà. Chiếc quạt trần tự chế là do anh nhặt các đồ người ta thải loại, lắp đặt rồi treo lên trần nhà, phe phẩy để có gió. Ngoài ra, anh còn mua xốp về để lắp vào trần nhà, hạn chế nắng nóng. “Mấy hôm nay, trời bắt đầu nóng nên mặc dù bật quạt, con lớn trằn trọc mãi mà không ngủ được, con nhỏ cũng hay quấy khóc” - anh Hiếu cho hay và bày tỏ lo ngại khi nghe thông tin mùa hè năm nay sẽ rất nóng.
Anh Hồ Văn Linh cũng đã có gia đình, nhưng hiện đã gửi con về quê. Để chống nóng, 2 chiếc quạt cây được bật liên tục, hết công suất. Cũng như nhiều cặp vợ chồng CN khác, anh đã lắp điều hòa, nhưng ít khi bật để đỡ tốn tiền điện.
| Tham khảo: Cách tính tiền điện phòng trọ, giá điện nhà trọ mới 2020
“Mỗi lần mùa hè đến là tôi phải trả tiền điện gấp đôi. Bình thường, vợ chồng tôi chỉ dùng vài chục số điện, nhưng khi trời nắng nóng, bật điều hòa nhiều, tiền điện vọt lên 300 số/tháng. Trước đây, giá tiền điện là 3.500 đồng/số, tính ra hết 1.000.000 đồng tiền điện/tháng. Bây giờ, tiền điện giảm xuống còn 2.500 đồng/số nên sẽ đỡ tiền hơn cho vợ chồng tôi” - anh Linh nói. Tuy được giảm tiền điện nhưng anh Linh cho biết, tiền nhà vừa qua lại tăng thêm 100.000 đồng/tháng.